Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Cách phân biệt tam thất thật, tam thất giả

Nhiều năm gần đây, tam thất là đông dược được sử dụng rất phổ biến ở nước ta, có tác dụng hóa ứ chỉ huyết, hoạt huyết chỉ thống, thường dùng rất hiệu quả trong việc điều trị các bệnh tim mạch tuần hoàn, viêm loét đường tiêu hóa. 

Tam thất trên thị trường nước ta hiện nay được nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, phần lớn là Vân Nam, Quảng Tây. Nhiều năm trở lại đây một số vùng đã trồng được tam thất như Lào Cai (simaca), Hà Giang (đồng văn, mèo vạc), tuy vậy giá tam thất ngày càng tăng cao, chỉ trong vòng ba năm nay giá đã tăng lên mấy lần. 


Trong khi giá thành ngày một leo thang thì chất lượng lại đi xuống, hàng giả cũng vì thế trà trộn không kiểm soát.

Làm sao để phân biệt được tam thất thật giả?

Tam thất thật: hình con quay, hình nón hoặc trụ tròn, bề ngoài có màu nâu xám hoặc nâu vàng, đầu củ có nhiều nếp nhăn, rãnh kẽ, xung quanh có các mấu nhô ra, tục gọi là “tam thất đầu khỉ”. Cầm nặng tay, chất đặc cứng, sau khi đập vụn mặt cắt có mầu nâu xanh hoặc vàng xanh, khí nhẹ, vị đắng hơi ngọt.

Khi chọn, cần để ý kỹ những rãnh kẽ ở đầu trên củ tam thất, nếu bảo quản không tốt thì những kẽ này rất dễ mốc, màu của nấm mốc lại rất giống màu của tam thất, không để ý sẽ rất khó phát hiện. Nếu dùng lực bẻ gãy củ tam thất, nó rất cứng và khó bẻ. Nếu bẻ được có cảm giác rất giòn chứng tỏ nó chứa hàm lượng nước vượt tiêu chuẩn cho phép, chắc chắn là đã được ngâm trong nước, sau đó phơi khô sẽ mất đi khoảng 30% thể trọng đồng thời rất dễ biến chất. 

Sau khi cắt quan sát kỹ mặt cắt, tam thất tốt thường đặc mịn mà có màu hơi xanh lục; nếu mặt cắt khô mà màu trắng thường là tam thất có vấn đề và ít tác dụng chữa bệnh. Cuối cùng nếm thử 1 mẩu nhỏ tam thất, củ tốt vị thường đắng mà lưu lại rất lâu trong miệng, thường ít bã; tam thất kém chất lượng vị thường nhạt và nhiều bã và không có mùi thơm đặc trưng của tam thất. 
Tam thất thật giống con quay, dài khoảng 4cm, đường kính 1 đến 2 cm
Tam thất giả: gồm tam thất giả gia công, tam thất gỉa do trùng tên.

 - Tam thất giả gia công: làm giả bằng gừng đen (nga truật) là tam thất giả phổ biến nhất, do nga truật có bề ngoài khá giống củ tam thất. Làm giả bằng cách bỏ đi vỏ ngoài, dùng dao khắc cho giống. Tuy nhiên nó lại hoàn toàn không có vỏ và để ý kỹ sẽ thấy rõ dấu vết của việc khắc bằng dao, chất rất cứng và rất khó bẻ gãy, nếm có vị thơm nhẹ và cay. Còn một loại gia công nữa, không rõ nguyên liệu là gì nhưng bề ngoài hoàn toàn giống tam thất xịn nhưng cũng không có vỏ, bề ngoài có màu nâu vàng, chất cứng, nhưng khi đập vỡ không có cấu tạo tổ chức thực vật, mặt cắt màu trắng , có dạng hạt hơi thô, vị nhạt.

 - Tam thất giả do trùng tên: 

 Thổ tam thất: còn gọi là bạch truật nam, huyết tam thất, hình tròn hoặc gần tròn, sần sùi không đều, màu nâu xám hoặc nâu vàng, thịt màu vàng ngà, chất cứng đặc nhưng mặt cắt lại có lõi xốp hoặc lõi rỗng. Vị nhạt, chát, hơi ngứa, không mùi. 

 Hồi đầu thảo – củ dạng tròn nhưng méo mó không đều, dài 1,5-2cm. Đầu củ sần sùi , mặt ngoài màu trắng bẩn. Thịt màu trắng đục. Vị đắng, không mùi. 

 Đằng tam thất: hình dạng bất quy tắc, mặt cắt dạng bột, vị hơi ngọt, nhai hơi dính. 

 Cảnh thiên tam thất: lấy rễ và thân rễ, có khi lấy toàn cây làm thuốc, thân tròn, màu xanh dễ gãy, thân rỗng, lá dễ rụng. Rễ củ nhiều nhánh, thô mảnh không đều, bề ngoài màu nâu xám, chất cứng mà giòn, mặt cắt màu nâu tối hoặc hơi trắng xám. Nhánh của rễ hình trụ tròn hoặc hơi có hình nón, bề mặt có nhiều nếp nhăn. 

 Tam thất gừng (còn gọi là tam thất nam): có hình tròn thuôn một đầu hoặc hình trứng (giống quả trứng chim), dài 1,2-1,5cm, nhẵn. Mặt ngoài màu trắng vàng, có nhiều vòng song song ngang củ. Thịt màu trắng ngà. Vị cay, nóng, mùi thơm như gừng. Tam thất gừng cũng có nhiều công dụng bổ ích nhưng so với tam thất bắc thì không thể bằng, giá trị thị trường cũng rẻ hơn tam thất bắc rất nhiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét