Củ tam thất hình thoi hoặc hình con quay (càng to càng tốt), không phân nhánh, đầu sần sùi thành những mấu, có nhiều vết nhăn dọc, vỏ ngoài cứng mầu xám hoặc xám vàng do bám đất (dạng sống), ruột đặc mầu vàng xám, chất chắc nặng, dùng dao thông thường hầu như không thể cắt được, vị ngọt nhạt, hơi đắng, mùi thơm nhẹ.
Thông thường, nhiều người mua tam thất về để nguyên củ lau sơ qua rồi tán bột uống. Để bảo đảm hiệu quả chữa bệnh và an toàn, trước hết, rửa thật nhanh củ tam thất bằng nước vài lần không cho nước kịp ngấm vào ruột, phơi nắng hoặc sấy ở nhiệt độ 50-60 oC (tuyệt đối không rang tam thất trực tiếp trên chảo cho khô hoặc tẩm tam thất với mỡ gà rồi sấy khô như một số người đã làm).
Khi dùng mới thái lát hoặc tán bột. Dùng đến đâu làm đến đó vì để nguyên củ thì thời hạn sử dụng có thể đến hai năm, nếu thái lát hoặc tán bột chỉ bảo quản được trong 6-12 tháng, có thể lâu hơn nếu ngâm bột với mật ong hoặc rượu.
Tam thất có hai tác dụng chính là cầm máu và bổ dưỡng. Gần đây, nó còn được dùng trong một số trường hợp ung thư (phổi, tiền liệt tuyến, vòm họng, vú) với kết quả tốt. Dùng sống dưới dạng bột hoặc mài với nước uống để chữa thổ huyết, băng huyết, rong kinh, chảy máu cam, máu hôi sau khi đẻ, kiết lỵ ra máu. Bột tam thất rắc làm cầm máu vết thương. Dùng chín trong trường hợp thiếu máu, suy nhược, phụ nữ sau khi đẻ, người mới ốm dậy. Củ tam thất hấp cho mềm, thái mỏng hoặc sao khô tán bột rồi hầm với thịt gà, thịt chim, ăn hằng ngày liền trong vài tuần. Ngoài ra, lá và rễ con cắt ra từ củ tam thất cũng được dùng với tác dụng tương tự. Có thể nấu canh ăn, nấu cao hoặc hãm uống. Cao lá tam thất bôi ngoài cũng cầm máu nhanh các vết đứt, vết thương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét